Phố Nhật thơm mùi bánh mì Việt

“Taste banh mi, taste Vietnam” – “nếm bánh mì, thưởng thức cả Việt Nam” là slogan đang được người Nhật cũng như cộng đồng người Việt tại Nhật hồ hởi truyền tai nhau. Một tiệm bánh mì Việt Nam và sắp sửa có thêm một cửa hàng thứ hai ở thủ đô Tokyo đang là mô hình start-up thành công của 2 thanh niên xứ Quảng Bùi Thanh Duy và Bùi Thanh Tâm. Hương vị Việt Gần như Tâm và Duy đem tất cả hương vị của bánh mì Hội An, từ mùi pate, chả bò, thịt xíu, dưa leo… hay cả tương ớt, gói vào trong ổ bánh mì Việt, với cái tên cũng cực kỳ dễ thương “Bánh mì xin chào”. Tháng 6.2015, Bùi Thanh Tâm (sinh năm 1986) và Bùi Thanh Duy (sinh năm 1991) khai trương cửa hàng đầu tiên ngay trên tuyến phố thương mại tương đối sầm uất Waseda Dori, thủ đô Tokyo (Nhật Bản). Rất nhiều thương hiệu đồ ăn nhanh nổi tiếng khắp thế giới tập trung tại đây, và dĩ nhiên “Bánh mì xin chào” của Tâm và Duy gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Nhưng đã xác định tinh thần lúc khởi đầu, chỉ cần có khách tìm đến là tiệm còn duy trì, và hơn thế, vượt xa mục tiêu tuần khai trương của hai anh em, mỗi ngày họ bán được 200 ổ bánh mì, chưa tính nước uống với giá nếu tính theo tiền Việt thì khoảng 100 nghìn đồng/cái. “Bánh mì xin chào” được cộng đồng người Việt tại Nhật truyền tai nhau tìm đến. Gần một năm khởi nghiệp từ vốn liếng “bên trong” là những mùi vị đã quen từ thuở bé và sự hỗ trợ của những người quen thân sau hơn 10 năm họ sống ở Nhật, xem chừng “anh em nhà họ Bùi” đã xây nên một nền móng rất chắc chắn để bắt đầu bung tỏa bằng những dự án đầu tư sâu hơn. Dĩ nhiên, cũng từ cái tên “Bánh mì xin chào”. Không nhất thiết phải bài trí quán theo kiểu của một hàng quán sang trọng, “Bánh mì xin chào” của hai người con Đại Lộc mang phong cách một tiệm ăn nhanh, với bàn ghế được giản tiện tối đa. Nhưng hương vị thức ăn thì phải cầu kỳ theo đúng mùi vị của Việt Nam. “Ở Tokyo có khoảng 7 tiệm chuyên bán bánh mì Việt, trong đó phần lớn có chủ là người Nhật. Chúng tôi cố gắng làm bánh mì đúng chuẩn Hội An với đầy đủ thịt, chả, dưa leo, pa tê, bơ… để đúng với khẩu hiệu của quán là “Taste banh mi, taste Vietnam”. Trong khi ở Nhật thì thường người ta làm bánh mì theo kiểu Pháp, dày vỏ và ít xốp như bánh mì Việt. Nhiều nơi sản xuất bánh mì lắc đầu trước đề nghị của chúng tôi. Nếu làm bánh mì theo kiểu Việt thì mỗi ngày họ phải bán được ít nhất 10.000 ổ do mọi thứ đều được tự động hóa, từ cái khuôn đến hương vị, kích cỡ… Cũng may là sau khi liên lạc khoảng 50 nơi sản xuất, chúng tôi cũng kiếm được một nhà sản xuất bản xứ rất cầu thị, sẵn sàng nghe chúng tôi góp ý để bánh mì “đúng chuẩn” Việt nhất trong mức có thể” – Tâm chia sẻ. Những dấu chân đầu tiên Tâm kể, khởi nghiệp kinh doanh ở Nhật vất vả hơn nhiều so với các nước khác. Với người nước ngoài, luật pháp quy định phải được bảo lãnh bởi một người Nhật có công việc ổn định và mức lương khá để có thể xin giấy phép kinh doanh. Nếu như có chuyện gì xảy ra thì đó sẽ là người chịu trách nhiệm hoàn toàn cho chi phí phát sinh trong quá trình kinh doanh. “Ở nơi đất khách quê người như thế này, lấy ai mà tin tưởng tuyệt đối những du học sinh hoàn cảnh như mình. Rất may mắn, khi đó có một thầy giáo trong trường vì thương mình nên đã chấp nhận làm người bảo lãnh. Có được giấy phép kinh doanh, lại đến giấy chứng nhận của hiệp hội vệ sinh an toàn thực phẩm, ngoài thời gian đến trường, Tâm và anh Duy phải đi học thêm các lớp an toàn vệ sinh thực phẩm mới đủ tiêu chuẩn để được cấp đầy đủ giấy phép mở cửa hàng” – Tâm kể về những bước đi đầu tiên của mình. Tôi hỏi chàng trai 9X: “Cơn cớ nào đưa đến quyết định mở một hàng ăn tại Nhật, trong khi hai anh em lại đến Nhật để theo học một ngành kỹ thuật?”. Tâm bảo: “Ý tưởng mở tiệm bánh mì của Tâm khởi đầu rất đặc biệt. Một dịp đi Tokyo chơi, mình vào khu chợ Ameyoko thấy hàng dài người xếp hàng chờ ăn bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ Kebab. Mình cũng mua ăn thử nhưng thấy không quá ngon, trong khi đó bánh mì Việt Nam mình đang nổi tiếng, lại được bình chọn là một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, tuy nhiên lại không có mấy tiếng tăm tại Nhật Bản. Từ đó mình nảy ý định mở quán bánh mì và hình thành chuỗi cửa hàng ngay tại đất nước mặt trời mọc”.
Bánh mì xin chào tại cửa hàng.
Bánh mì xin chào tại cửa hàng.
Và rồi chuyện mặt bằng, chuyện giấy phép… khi đã tạm ổn, lại đến chuyện làm sao để có được hương vị bánh mì như Phượng, như Madame Khanh của Hội An. Tâm lại vắt óc ra nhớ những lần phụ việc ở nhà hàng, quán ăn của người Việt tại Nhật trong gần 6 năm học đại học tại đây. Bùi Thanh Duy cũng bị cuốn theo dự án “liều lĩnh” của cậu em trai, mặc dù anh đang làm quản trị viên thực tập sinh Việt Nam tại Nhật. “Cuộc chơi với bánh mì là lần đầu tiên trong đời, anh em mình dốc hết gia sản đánh liều một phen” – Duy nói. Sự cuốn hút của một món ăn đường phố nổi tiếng ở Việt Nam đã gây nên “cơn sốt” nhẹ tại Nhật. Nhiều báo chí của Nhật Bản, cả kênh truyền hình Fuji Television cũng tìm đến để kể về câu chuyện lập nghiệp đặc biệt của hai anh em người Việt. “Bề ngoài ổ bánh mì vàng ươm, không hề quý phái, cầu kỳ. Nhưng khi cắn vào miếng đầu tiên là sự cảm nhận giòn rụm lớp vỏ, bên trong lại là lớp bánh mềm với vị béo béo được hòa quyện từ chút bơ, chút pa tê, chút dưa chua, thịt nguội, chả, một ít nước sốt…, tạo thành hương vị đặc trưng mà không loại bánh sandwich nào có được” – Tâm hào hứng. Nắm bắt cơ hội Không chỉ đặc biệt vì thứ hàng Tâm, Duy chọn để mưu sinh, phát triển ở Nhật, mà còn đặc biệt vì cách thức họ vận hành dự án khởi nghiệp của mình. Sau sự thành công của cửa hàng đầu tiên trên phố Waseda Dori, Tâm và Duy đang tiếp tục chuẩn bị cho cửa hàng thứ hai. Hai anh em vẫn nhận lương như những nhân viên của cửa hàng, mỗi tháng khoảng chừng vài chục ngàn yên Nhật, số tiền lãi còn lại, họ đầu tư vào việc phát triển doanh nghiệp của mình lớn hơn. Thị trường ẩm thực Nhật Bản, theo lời Bùi Thanh Tâm, vốn đã bão hòa, khi các hệ thống, tập đoàn lớn nắm gần hết các thị phần. Trong khi đó, theo thống kê, mỗi năm hơn 80% số người khởi nghiệp ở Nhật bị thất bại, và đa số rơi vào các trường hợp kinh doanh ẩm thực. “Nên trước mắt, quán đặt chỉ tiêu chất lượng sản phẩm và dịch vụ lên hàng đầu. Phải làm sao để khách hàng quay lại vì thức ăn mình ngon, dịch vụ khiến họ thỏa mãn. Mục tiêu tiếp theo là “Bánh mì xin chào” sẽ có chi nhánh thứ hai ở Tokyo trong năm nay. Hiện tại, cửa hàng đầu tiên đã bắt đầu sinh lãi và hứa hẹn sẽ hoàn vốn trong khoảng một năm rưỡi, theo đúng dự toán ban đầu của chúng tôi” – Tâm chia sẻ thêm. Nhiệt huyết của tuổi trẻ, sự táo bạo của người có kiến thức và luôn mong làm giàu kiến thức mình trong một thế giới mở, nên dám nghĩ, dám làm nhưng vẫn giữ cho mình sự tỉnh táo, khôn khéo là những điều sau cùng mà Tâm và Duy muốn chia sẻ với những người đang ấp ủ ý định khởi nghiệp. “Mang hương vị ẩm thực đặc trưng của Việt Nam đến với nhiều bạn bè quốc tế hơn là ước mong lớn nhất của tụi mình. Mình không dùng từ bread của tiếng Anh mà dùng hẳn tên gọi bánh mì như tên một món ăn riêng của Việt Nam” – Tâm nói.