Những con đường ký ức

con duong ki uc
Nhiều năm sau này, khi trở về làng cũ ở Thanh Quýt (xã Điện Thắng Trung, Điện Bàn) và tìm lại những con đường đất đã cũ, tôi thường nhớ đến những ca từ trong bài hát “Con đường tình ta đi” của Phạm Duy: “…Thế rồi cuộc đời là những cuộc tình chia xa Đi lạc vào những phía không đường về Đứng ở ngoài đầu rừng, đứng ở đầu con sông Nhớ về con đường cũ mênh mông, mênh mông…”. 1. Nhớ hoài những con đường làng xưa cũ in những dấu chân những kỷ niệm thời bé của mình, cho dù bây giờ đã có nhiều con đường bê tông ngang dọc ô bàn cờ và xe cộ đi lại rầm rập. Trên những con đường ấy, có con đường chạy dọc bờ sông, mở rộng ra quanh gốc đa làng, nơi ấy là một bến sông. Bến sông ấy đón và tiễn những chuyến ghe chở củi từ nguồn xuống, chở cá từ biển lên. Bến ấy những chiều hôm có những bà mẹ, người chị đưa cỏ xuống giặt trước khi gánh về cho trâu bò. Lũ trẻ chúng tôi kéo nhau treo lên cành đa sà và lần lượt phóng mình xuống bến. Đâu biết trên bờ có mấy chị vừa mang guốc cao gót, đầu tóc dài phi-dê lại ăn bận áo hoa quần sa tanh đen bóng vừa từ ngoài Hàn, dưới phố quay về làng. Cả con đường quê chợt sáng lên trong ánh mắt những anh chàng đang cưỡi xe đạp phải dừng lại, ngó theo…
Đường làng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường làng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Con đường khác từ xóm băng qua cánh đồng rộc, ngang đình làng dẫn đến trường tiểu học. Chúng tôi đi bộ từng đàn đến lớp mỗi sáng, những chiều như những “đàn chim non hớn hở”. Rồi những buổi bỏ sách vở bên lề đường, tập hợp lại dưới gốc cây chim chim hay cây trâm cổ thụ, giành nhau hái quả. Hạt trái chim chim hình bầu dục, lớn cỡ ngón tay út, nướng lên ăn thơm lựng. Những chùm quả trâm chín đen, mọng nước và ngọt lịm. Hồi nhỏ quê nghèo mấy khi có bánh kẹo làm quà, những hạt quả quê mùa ấy đã góp phần nuôi nấng cả một tuổi thơ trong sáng… Rồi con đường xẻ dọc giữa làng, ngang qua cây đa đọt đỏ cổ thụ che bóng cái miếu cổ có từ thời người Hời còn sinh sống. Cái miếu bây giờ là miếu làng với đầy những câu chuyện hoang đường và linh thiêng. Hàng năm đến kỳ cúng kỳ yên, bọn trẻ chúng tôi lại đến xem các cụ già làng lên chiêng trống tế lễ, nghe những bài hát văn ngân nga và những đoạn hát bội trong trích đoạn Phúc Lộc Thọ cầu quốc thái dân an. Dĩ nhiên sau đó, bọn trẻ lúc nào cũng được các cụ già chia cho vài quả chuối, đôi lát bánh tét hoặc vài miếng thịt quay ngậy mỡ. Con đường ấy thêm một đoạn nữa là qua đến chợ Vải, nơi “đô hội” nhất của làng với những quang gánh tấp nập, những sạp tạp hóa bán đủ thứ bánh kẹo, những quầy bán vải sát cạnh mấy bàn thợ may. Tôi thường cầm rổ xuống chợ những lúc nghỉ học và nhờ người lớn mua giùm cho những thứ mẹ dặn trước khi bà đi làm đồng. Có hôm lại được bà cô mua cho đồng kẹo cau, mấy lát bánh đúc gạo đỏ. Vừa trông hàng vừa ăn quà chờ cô đi chợ giúp. Mà sao quà ấy ngon đến vậy! Những món mọn và quê ấy vẫn còn mùi vị cho đến giờ! Mùi của kỷ niệm ấu thơ không phai được… Nhớ về những con đường làng không tên lúc nhỏ ấy, tôi và mấy anh bạn già bây giờ có lúc cao hứng đặt ra cuộc thi “vẽ bản đồ những con đường làng trước chiến tranh” để thử trí nhớ lẫn nhau. Nhưng lạ thay, hầu hết bạn bè của tôi từ nhỏ ấy, ai cũng vẽ giống nhau! Ký ức và tình cảm của mọi người về làng quê, về những con đường, thật ra đều giống nhau và không hề phai nhạt! 2. Con đường dẫn từ ngã ba Vĩnh Điện đến Hội An rồi từ Hội An đi Cửa Đại đối với tôi cũng là câu chuyện đáng ghi lại. Từ năm 10 tuổi, cha tôi chở tôi bằng xe đạp từ quê xuống Phố coi đá banh. Con đường ấy mênh mông trong ánh mắt thằng bé nông thôn thuở ấy. Vĩnh Điện, Thanh Chiêm trước là thủ phủ Quảng Nam và Đàng Trong thời phong kiến. Hội An có cảng thị ngoại thương rồi có Tòa Tỉnh từ sau ngày đình chiến 1954. Cả hai đều rộng lớn, đều tòa ngang dãy dọc, là chốn phồn hoa lạ lẫm… “Bồng em mà bỏ vô nôi Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu Mua vôi chợ Quán chợ Cầu Mua cau Vĩnh Điện mua trầu Hội An…”. Té ra bài hát ru em của mẹ là hát theo một con đường từ… chiếc nôi tre ấy, ra khỏi làng rồi đi qua Vĩnh Điện và đến Hội An mà cha tôi đang đèo tôi hôm ấy! Trên con đường đó còn có Trường Đốc, nơi đã hun đúc nên những Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Dư, Phan Thành Tài… vang danh cho đất và người xứ Quảng. Con đường ấy in đậm những dấu chân của các cha đạo F. de Pina, A. de Rhodes và các đồng sự của họ đã góp phần làm nên chữ Quốc ngữ ngày nay. Đến thời tôi lớn lên, con đường đó lại thêm một dấu ấn của văn học. Tôi nhớ, dường như hàng tuần trên các tạp chí xuất bản từ Sài Gòn đều có các tác giả Quảng Nam sống dọc sông Thu Bồn, con đường tỉnh lộ 100 nối từ Đại Lộc xuống Vĩnh Điện rồi Hội An. Những tác giả từ Nguyễn Văn Xuân, Phan Du đến Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượng, Phan Chánh Dinh, Hoàng Lộc, Đinh Trầm Ca, Trần Thị Bích Ni – Nguyễn Kim Phượng, Tần Hoài Dạ Vũ, Lê Đình Phạm Phú… đều có mặt. Có thể còn nhiều người nữa mà tôi chưa nhớ hết. Con đường ấy đã đi qua những làng quê nổi tiếng bên cạnh làng đúc Phước Kiều, làng mì Quảng – thịt bò tái Phú Chiêm, làng gốm Thanh Hà mà nhiều người và sách vở đã nói đến. Tôi chỉ nói thêm về địa danh La Qua một thời đã là nơi được chúa Nguyễn chọn là dinh trấn Quảng Nam. “Chình ình như cái đình La Qua”, “Hôm qua qua nói qua qua mà qua không qua… em đừng có la qua”. Tên đất đã đi vào văn học dân gian. Những tên làng, xứ đất từ Bồng Lai, Tân Mỹ, Vá Vện, Uất Lũy, Bàu Thượng, Gò Bàu thuộc đất La Qua xưa đều gắn liền với nhiều giai thoại, truyền thuyết nổi tiếng… trong đó có câu “Muốn sang thì về Gò Bàu, muốn giàu thì về Bồng Lai”. Gò Bàu thuộc làng Tân Mỹ là cuộc đất tốt cho những ai mãn phần, còn Bồng Lai là đất thổ cư với những nhà vườn trù phú, cái rốn của đất La Qua xưa với nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm còn lại sau chiến tranh. Đây cũng là quê quán của hai nhà thơ dòng dõi tộc Nguyễn Nho mà tôi đã nhắc trên kia… 3. …Bóng người từng in dấu trên đường mờ Có thuộc vạn nẻo đường, có ngại ngùng nên quên Nhớ hoài con đường cũ không tên…” (Con đường tình ta đi) Những con đường sẽ đưa ta về đâu, nếu không phải là những phố những làng, nơi quần cư của những dòng tộc! Con đường là một kết nối, dĩ nhiên rồi. Nhưng kết nối đâu chỉ là không gian và cả thời gian! Trong ấy, trên hết và cuối cùng, là kết nối những tâm hồn. Ở đó, là những nền nếp sinh hoạt, lịch sử, phong tục của từng cộng đồng. Nhờ vậy mà “những con đường không tên” đã trở thành có tên, trở thành hồi ức! Nói vậy để dẫn đến một con đường khác. Đường nối Hội An và Cửa Đại. Cách đây mấy năm, lúc còn sống, nhà báo Võ Như Lanh nói nếu làm lãnh đạo ở Hội An anh sẽ đặt tên con đường này là “Đường Tình yêu”, bởi nó gắn liền với tuổi học trò của thế hệ anh ở trường Trần Quý Cáp. Những hình ảnh các đôi trai gái học trò sóng đôi đạp xe từ phố xuống biển, qua địa giới quận Hiếu Nhơn những năm 1960 quả đã có nhiều kỷ niệm đẹp. Trên hành trình lãng mạn ấy là những lúc dừng chân bên những làng quê Cẩm Châu, Cẩm Thanh, An Bàng, Thanh Nhì dọc sông Cổ Cò, Đế Võng với những rừng dừa nước thanh bình. Và con đường ấy cũng ghi đậm dấu vết qua những chuyến xe ngựa mà Nguyễn Tuân đã mô tả sinh động trong bút ký “Cửa Đại” của ông hơn 20 năm trước trên đường ông vào Quảng. Có lẽ đó chính là lý do con đường sau này mang tên chính thức là Cửa Đại chăng? Dù là mang tên gì đi nữa, bây giờ lang thang qua 5 cây số trên con đường này, cảnh vật của thời Nguyễn Tuân đã không còn. Những làng chài ven sông ven biển đã dần nhường chỗ cho những khu nghỉ dưỡng cao cấp, những nhà hàng, biệt thự homestay sang trọng. Rồi những làng chài ấy sẽ biến mất như đã từng ở Hồng Kông, Singapore như ta đã thấy. Con đường cũng đang có một quy hoạch mở rộng cho hợp với phát triển… Những thế hệ đã đi qua sẽ… mờ phai bóng trên những con đường của họ, theo nghĩa đen. Những sẽ còn lại gì? Tôi hỏi. Chúng ta hỏi. Câu trả lời đang đặt lên vai của những nhà quản lý vậy! TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG