Khắc sâu hình bóng quê nhà

nangvuonxuaw
“Nắng vườn xưa” là tập thơ Đường luật của tác giả Đinh Vũ Ngọc (1935 – 2014) vừa mới được NXB Dân Trí ấn hành đầu năm 2017. Thơ Đường là thể thơ cổ được giảng dạy chính thức trong trường phổ thông, nhưng hiện nay trên thi đàn rất ít người mặn mà chọn thể thơ này để ra mắt. Việc cho ra đời tập thơ “Nắng vườn xưa” là tâm huyết của nhà văn Đinh Lê Vũ dành cho người cha quá cố của mình – nhà thơ Đinh Vũ Ngọc, tác giả của “Nắng vườn xưa”. Đọc tập thơ này, độc giả sẽ cảm nhận rõ hơn về cố hương trong vần thơ đầy mộc mạc nhưng cũng ẩn chứa nhiều nét “duyên” với tình cảm ngọt ngào đằm thắm. Những dòng thơ mềm mại uyển chuyển đã chạm vào cảm xúc của người đọc, bởi vì trái tim khắc ghi tấm lòng của người muôn năm cũ, dù đã đi xa nhưng vẫn để lại con cháu tấm lòng son sắt với đời. Trong thơ Đường, rất khó để tìm những hình ảnh mới, cách thể hiện mới nhưng thông qua niêm luật chặt chẽ, độc giả vẫn có thể tìm thấy “đường cong” tuyệt mỹ của thi ca. Như bài thơ “chiếc áo dài Việt Nam”: “Chiếc áo quê hương dáng thướt tha/ Non sông gấm vóc mở đôi tà/ Tà bên Đông Hải lung linh sóng/ Tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa…”. Chỉ qua bốn dòng thơ thôi, ta đã thấy thi nhãn rất tinh tế của Đinh Vũ Ngọc, khi tác giả tìm được cái hữu ý và hồn cốt đất nước trên tà áo dài truyền thống. Chỉ cần qua hai câu thơ “tà bên Đông Hải lung linh sóng/ tà phía Trường Sơn rực rỡ hoa”, tác giả mở ra một khoảng không gian mênh mông bát ngát vô cùng tận trên quê hương “rừng vàng biển bạc”, đã nuôi sống biết bao thế hệ cha ông trong công cuộc xây dựng và giữ gìn đất nước. Qua hơn 90 bài thơ được gói ghém trong một tập thơ mỏng chỉ 100 trang in nhưng luôn gợi cảm xúc qua từng nhịp, từng cung bậc với đầy đủ dư vị, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Cơ hồ như làn nước mùa thu nhưng độ lắng đọng thì phải qua một khoảng thời gian thưởng lãm, đắm chìm mới có thể tìm thấy hết nội dung nhà thơ gửi gắm. Ta cũng có thể cảm nhận hồn cố quận ăn sâu vào mạch thơ của tác giả Đinh Vũ Ngọc để tiếng thơ vang vọng muôn thuở. Hình bóng quê nhà như ăn vào tiềm thức với những thi phẩm: “Về thăm Huế”, “Hội An mùa mưa lụt”, “Đỉnh cao Bà Nà”, “Em đi qua chùa Cầu”… Trong bài thơ “Hội An mùa mưa lụt”, tác giả viết: “Hội phố bơ vơ hồn phố cổ/ Thu giang trăn trở mộng trường giang/ Nhịp cầu huyền thoại run thân gỗ/ Mộng, thực – hai bờ nối dở dang…”. Những con người đã trót thương, trót yêu, trót nhớ, trót gắn bó với Hội An chắc có lẽ mọi ngóc ngách phố Hội đều gắn chặt vào từng nhịp đập, hơi thở. Vì thế không ngoa khi nói rằng Hội An muôn đời đều đẹp, kể cả trong cơn lũ quyện đỏ phù sa. Bằng những hình ảnh đầy “chất thơ”, “Hội An mùa mưa lụt” đã đưa tâm tưởng người đọc thoát ra khỏi niêm luật chặt chẽ của thể loại thơ, để đi về những rung cảm “bơ vơ hồn phố cổ” hay “nhịp cầu run thân gỗ”… Khép lại tập thơ “Nắng vườn xưa”, tôi lại một lần nữa xao xuyến với những vần thơ sâu lắng viết về Đà Nẵng trong bài “Đỉnh cao Bà Nà”: “Đèn chong, Đà Nẵng đêm huyền ảo/ Biển thức, Tiên Sa sóng dạt dào/ Trước cảnh bao la hùng vĩ đó/ Tình yêu đất mẹ lại nao nao”. Theo Phan Nam/Báo Quảng Nam