Chuyến bay này, công của tôi chỉ bé như hạt gạo

tran cong canh

“Ban đầu, chúng tôi dự tính thuê một chuyến. Nhưng sau đó, số lượng bà con đăng ký nhiều quá trời. Vậy là tôi lại ráng thêm một chuyến nữa. Để có hai chuyến bay đó, rất nhiều đơn vị ở cả Quảng Nam và TP.HCM phải cùng vào cuộc. Thương nhất là các anh em trong Hội đồng hương Quảng Nam ở Sài Gòn. Họ lặn lội tới mức không có thời gian ăn cơm nữa vì bát cơm hễ bê lên, cả chục cuộc gọi cùng ập tới” Trích lời phỏng vấn ông Trần Công Cảnh đã bỏ kinh phí thực hiện 2 chuyến bay miễn phí cho bà con về quê nhà.

Để có hai chuyến bay đó, rất nhiều đơn vị ở cả Quảng NamTP.HCM phải cùng vào cuộc. Thương nhất là các anh em trong Hội đồng hương Quảng Nam ở Sài Gòn. Họ lặn lội tới mức không có thời gian ăn cơm nữa vì bát cơm hễ bê lên, cả chục cuộc gọi cùng ập tới. Anh em phải lo tiếp nhận đăng ký, đứng ra sàng lọc đúng đối tượng khó khăn và liên hệ với đủ các ban ngành. So với họ, số tiền tôi bỏ ra thật nhỏ bé mà công sức cũng chỉ như một hạt gạo.

Mấy chục năm nay, tôi vẫn hay nói tiếu là sẽ hành thiện cho tới khi “ôm nải chuối” mới thôi. Vì mình làm từ thiện liên tục như thế, nên tôi thấy rất lạ, không biết sao bữa nay mới làm có chút xíu đã có bao nhiêu báo đưa tin. Một phần vì trước nay tôi không thích rình rang, nên luôn giữ kín chuyện giúp đỡ chỗ này, chỗ kia. Một phần vì lần này tôi không trực tiếp giúp được nhiều, chỉ có tấm lòng và chút tiền thôi nên thấy lạ. Chắc là giữa thời dịch bệnh nước sôi lửa bỏng, xã hội đang rất cần những mạnh thường quân cùng chung tay nên câu chuyện của tôi mới được chú ý nhiều đến thế!” ông Cảnh bày tỏ.

3444 2 ItDUfEFU

Vị Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Nam ở Bình Phước Trần Công Cảnh năm nay đã 76, nhưng sắc vóc vẫn còn rất nhanh nhẹn. Ông nói, nhờ liên tục làm việc thiện nên suốt mấy chục năm nay ông sống rất khỏe, chưa đêm nào mất ngủ. Thậm chí, việc hành thiện chính là cứu cánh giúp ông vượt qua nỗi đau lớn khi mất đi 3 người con vì bệnh ung thư máu.

Ông chia sẽ thêm: “Tôi xuất thân con nhà bần nông nên thấm lắm cái đói cái khổ. Hồi còn ở Sài Gòn đi học, quanh năm tôi toàn ăn “phở ngó, mì nhì”. Cứ sáng sáng ôm cái bụng rỗng tuếch là thế nào tôi cũng lượn vài vòng qua hàng phở, ngửi ké mùi thơm bát ngát từ nồi nước lèo để có sức mà đạp tiếp tới lớp.

Tình cảnh của tôi lúc đó phải nói là bi đát. Vừa học vừa làm hết việc này việc kia vẫn không đủ ăn. Nhưng ngay từ lúc nghèo xác ấy, tôi đã thích làm việc thiện. Không có tiền thì mình giúp công. Những năm đó chiến tranh ác liệt, bà con sơ tán chạy tùm lum khắp nơi. Bom giội xuống, ai còn có thời giờ mà nghĩ đến chuyện gom tài sản, giữ được mạng đã là quý lắm rồi. Vậy nên ở khu ngụ cư, bà con chẳng có gì. Một số người có tiền bỏ ra giúp họ mua gạo, dựng lều. Tôi chạy qua, xông pha nhận đi bê gạo, dựng lều cho người nghèo. Làm hết việc, tôi chạy về đi học tiếp.

Nhiều năm đã qua, đời sống dù khá lên, nhưng hễ nhắc chuyện cũ, tôi vẫn còn cảm giác được cái đói, vẫn hình dung ra được khung cảnh buổi sáng ăn phở ngó đi học. Bởi thế, tôi thương người nghèo, thương những đứa nhỏ đi học xa, ba mẹ không có gì cho ngoài vài ký gạo. Tôi với họ đều là đồng bào, đều là người Việt máu đỏ da vàng nên giúp được gì thì mình phải ráng giúp”.

Nhớ lại thời xưa và công cuộc từ thiện thầm lặng

Hồi đầu tôi nghèo vậy đó. Năm 1975, tôi ra làm công chức Nhà nước nhưng chỉ được một năm thì chịu không nổi áp lực, phải bỏ ngang. Rồi tôi đi làm giáo viên vì yêu cái nét thơ ngây của tụi nhỏ. Nhưng đến năm 1979 cũng bỏ vì nhiều lý do.

Tới năm 1990-1991, tỉnh Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước) trải chiếu hoa rước các nhà đầu tư về khai hoang, phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Tôi xuất thân nông dân nên rất mê đất, liền nộp đơn xin đi khẩn hoang. Chủ trương lúc đó của tỉnh là hễ ai trồng được cái gì xuống đất thì Nhà nước sẽ cấp ngay sổ đỏ chỗ đó cho họ. May mắn từ hồi đó tới giờ giá đất sốt những 4-5 lần. Mỗi lần có cơn sốt, tôi lại bán đi một ít đất, đợi khi cơn sốt nguội hẳn rồi thì kiếm miếng đất khác… Cứ như thế, chỉ nhờ một động tác vậy thôi mà số vốn của tôi lớn lên. Từ tay trắng, tôi gây dựng được cơ ngơi.

Sau nhiều lần gặp may, tôi chiêm nghiệm mới thấy mình được trời giúp.Vì có lúc, đất vỡ hoang bán được gấp 10 lần giá trị thực. Tôi tin rằng khi mình chia sớt bớt cho người ta, ông trời cho lại mình nhiều lắm. Trời để mình có của mà đi giúp người nghèo. Thậm chí có lúc tôi làm cái này cái kia tới nỗi gần hết tiền thì trời lại cho trúng mánh lớn. Tôi sướng quá, lại đem tiền vừa có đi giúp tiếp. Ví dụ tôi có cái cây cảnh trồng hơn 50 năm. Tuy với người ta nó không quý, nhưng tôi thì quý lắm, vì nó là tâm huyết cả đời mình. Nhưng nếu giờ có chỗ nào khó khăn, cần phải bán cái cây đó thì tôi cũng sẵn sàng bán, không tiếc gì. Vì tôi hiểu, giúp người quan trọng hơn.

 Thậm chí còn phải đi mượn nợ ngân hàng để mà làm thiện nguyện ấy. Ví dụ hồi năm 2010, tôi thấy tụi trẻ ở xã Minh Đức (Hớn Quảng, Bình Phước) cực quá. Đường đồi núi mưa xuống sình lầy ngập tới ống chân mà tụi nó phải cuốc bộ mấy cây số mới tới trường. Vậy là tôi hứa sẽ xây cho các em một ngôi trường tiểu học. Lúc đó, tôi tính toán chỉ hết khoảng 1,5 tỷ đồng. Nhưng đợi qua năm sau khởi công, vật tư lên quá mức, tổng kinh phí đội lên 2,5 tỷ đồng, tức là gần gấp đôi. Tôi phải đi mượn ngân hàng để có tiền. Nhưng cũng may, đúng đợt đó cây kiểng tự nhiên khan hiếm. Tôi vốn mê cây cảnh nên từ lâu đã có vài cây quý, liền đem bán đi 1 cây được ngay 500 triệu để xây trường.

3444 d8UKih7Qwz

Niềm vui của những người được về

May mắn như vậy với tôi thường xuyên lắm. Cho nên tôi làm công tác từ thiện dù có hết bao nhiêu cũng không bao giờ phải suy nghĩ. Giống như số tiền 2,5 tỷ đồng mà mình bỏ ra xây trường hồi 2011, nếu từ góc độ kinh doanh thì phải đem đi mua đất chứ. Vì nếu mua thì giờ lấy lãi gấp 10 rồi. Nhưng có cách làm khác hay hơn. Đấy là mình đem giúp bà con thì thứ trời ban cho mình lại nhiều hơn cả cái lãi lời thông thường mà mình tính ra được.

Tôi đi theo cha vào Sài Gòn hoạt động từ năm 1958. Thế hệ con cháu sau này có lẽ được thừa hưởng cái gen cách mạng đó. Con cháu tôi cũng làm thiện nguyện liên tục. Mùa dịch này nó đi vận dộng, làm cái chợ 0 đồng, rồi nó đi ủng hộ khắp nơi.

Mà tôi cũng chỉ còn lại có một đứa con thôi. Nó cũng đã thành đạt rồi nên tôi không cần lo. Hồi xưa tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái. Nhưng vợ tôi lúc trẻ hoạt động ở vùng Quế Sơn (căn cứ địa cách mạng ở Quảng Nam) nên nhiễm chất độc bom đạn chiến tranh. 3 đứa nhỏ đều bị bệnh ung thư máu mà mất sớm, chỉ còn lại một thằng con trai. May mà nó học giỏi, bây giờ đang định cư bên Mỹ. Hồi mất 3 đứa con, tôi hoảng lắm, tinh thần suy sụp luôn. Nhưng rồi tôi tìm thấy sự thanh thản khi làm việc thiện nguyện. Mình làm một phần vì thấm được cái khổ từ năm xưa. Một phần vì mình có niềm tin tâm linh. Hồi xưa tôi đi học, thích nhất một câu nói: “Con người bản chất đều là thú vật, nhưng mà chúng ta phải tu sửa từ từ, loại bớt cái xấu, cái sai đi. Càng loại được bao nhiêu, ta sẽ càng gần với thánh thiện bấy nhiêu”. Tôi thấy câu đó hay lắm. Bởi ai cũng có dục vọng, tham muốn, nhưng nếu ta chặn đứng, loại bỏ được thì từ từ, mình sẽ gần cái tốt nhiều hơn.

Lo lắng nhất là dịch bệnh có lẽ chưa hết hẳn được đâu. Mà dù dịch có tạm ổn thì hậu quả về kinh tế đợt giãn cách xã hội này còn lớn lắm. Nên tôi lo là lo không biết bao nhiêu người nghèo sẽ ra sao. Họ được giúp đỡ trở về quê thật đó, những với hai bàn tay trắng, bốn bàn tay không rồi họ sẽ sống ra sao.

Theo Thu Hường/Soha