Bùi Giáng và hồn cố quận

“Ông làm thơ như một cách thế giãi bày tâm trạng. Ông chỉ làm thơ cho mình. Thơ ông viết và in ra đó; ai đọc và suy nghĩ thế nào về thơ ông, về đời ông là quyền của họ”. Những dòng trên là chia sẻ của nhà báo – nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ở lời mở đầu tác phẩm biên khảo “Bùi Giáng – Âm vang cố quận”.

“Đất hoa khóc vĩnh biệt người/ Ngàn cây cố quận đôi lời sương thu”.

Hai chữ “cố quận” trong thơ Bùi Giáng thật thiết tha. Tôi nghĩ ông đi về đâu, sống với ai thì lòng ông cũng ước mơ trở về với cố quận – cái quê nhà thân yêu Duy Xuyên, Quảng Nam gắn liền với tuổi trẻ và những đau khổ, hạnh phúc mà ông từng trải nghiệm. Nó đồng thời cũng gợi lên trong lòng tôi niềm yêu dấu, nỗi nhớ nhung về những hình bóng quê nhà; trong đó có hình tượng về một người bạn “… Buông tóc bên trời; Buồn một mình trên tuổi xuân phai”. Hai chữ ấy làm tôi thêm yêu thơ ông Bùi Giáng. Vì vậy, tôi chọn tựa đề cho tập sách nhỏ của mình là Âm vang cố quận.

* *
*

…Làng tôi ở hạ du sông Thu, dòng sông xanh biêng biếc quanh năm. Hôm nào có mưa nguồn thì ngày sau đó, nước tuôn về hạ du mang theo phù sa của núi đồi nên rất đục. Dòng nước ấy mang theo phù sa làm màu mỡ thêm những ruộng vườn, bãi mía, nương dâu; hình thành những tam giác châu giữa lòng sông. Dòng nước ấy mang theo các loài cá của sông suối vùng nguồn như cá ngạnh, các diếc về hạ du. Nhìn màu nước đục, người ta biết hôm qua có mưa nguồn.

Ca dao Quảng Nam có câu “Chiều chiều, chớp biển mưa nguồn/ Sáo treo bốn bức, bậu buồn quá đi!”. Sáo treo bốn bức là để cho mưa khỏi tạt vào nhà. Cô em bậu nhỏ không dám ra ngoài trời mưa, cứ ngồi trong nhà nghe tiếng mưa nên buồn là phải. Cho nên, bạn nghe một người Quảng Nam nói chuyện chớp biển hay mưa nguồn là bạn phải hiểu rằng người ấy đang nhớ quê nhà của mình.

Thơ Bùi Giáng có đủ hai tập Chớp biển và Mưa nguồn. Đặt nhan đề cho hai tập thơ như vậy có nghĩa là ông đang ở Sài Gòn nhưng vẫn rất nhớ về quê nhà – cố quận của ông. Đọc thơ của Bùi Giáng, người ta thấy hai từ “cố quận” xuất hiện nhiều lần. Bùi Giáng làm thơ là để thỏa giấc mơ về cố quận.

Hán – Việt từ điển của cụ Đào Duy Anh giải thích: “Quận: Một đơn vị chánh quyền. Ngày xưa, người ta gọi phủ là quận”. Theo cách giải thích đó, cố quận trong thơ Bùi Giáng là huyện Duy Xuyên nơi ông đã trưởng thành; là làng Thanh Châu nơi ông được sinh ra; là thung lũng Trung Phước nơi ông sống với người vợ thân yêu đầu đời. Cố quận còn có thể hiểu là những nơi mà gót chân du mục của Bùi Giáng đã đi qua trên núi rừng Quảng Nam – từ Phường Rạnh của huyện Duy Xuyên đến thung lũng Trung Phước của huyện Nông Sơn rồi đến đèo Le của huyện Quế Sơn.

Nhưng tại sao Bùi Giáng lại nhắc nhiều đến cố quận như vậy? Ấy là vì từ lúc ra đi, ông đi biền biệt, không trở về quê nhà yêu dấu ấy nữa. Ông như con người tự lưu đày mình, đi xa quê nhà nhiều năm không về…

Ông ở phương Nam, nhớ quê nhà tha thiết nhưng không muốn trở về, không dám trở về. Ông chỉ trở về quê nhà một lần duy nhất sau ngày giải phóng. Ấy bởi vì ông muốn tránh nỗi đau tình khi nhớ về người vợ trẻ ngày xưa. Ông không dám động chạm đến nỗi đau nội tại trong trái tim mình.

Bùi Giáng chỉ dùng ký ức để phục hiện những hình ảnh thân yêu của cố quận. Chữ “cố” – xưa, để chỉ một tâm trạng luyến tiếc. Với một khối óc thông minh như Bùi Giáng, cố quận hiện ra không sót một lá cây, ngọn cỏ, cành hoa, con bướm trong thi ca của ông.

…Mỗi khi Bùi Giáng nhắc đến cố quận là ông nhớ đến người vợ thân yêu. Thơ viết cho người vợ thân yêu – con mọi nhỏ giữa núi rừng Trung Việt, càng lúc càng đậm đà niềm thương yêu trìu mến… Ông phong tặng người vợ của mình – con mọi nhỏ, lên thành mẹ của giang san: “Em thành Mẹ của giang san/ Em là thần nữ đoạn trường chở che”.

Thơ ông càng lúc càng trang trọng khi viết về người vợ, viết cho người vợ. Tất cả cái mẫu tính dịu dàng, hồn nhiên, tươi đẹp, đôn hậu toát lên từ con người của bà Bùi Giáng khiến ông cảm phục vợ. Từ một con người cụ thể, mảnh mai, bà qua đời và vụt trở thành hình tượng cao quý nhất trong lòng ông, trong thơ ông: “Em thuyền quyên ban mưa móc xum xuê/ Em rắc gieo khắp xứ sở bốn bề/ Suốt địa hạt tình quê hương ba ngõ/ Anh quỳ xuống gọi em: Em mọi nhỏ”.

Ở lại giữa quê nhà, có được những tháng ngày lang thang giữ dê đọc sách là một hạnh phúc. Thế nhưng trong khung cảnh ấy, ông nhìn nơi đâu cũng có bóng dáng, hình ảnh của “con mọi nhỏ” hiện ra. Hình ảnh ấy càng hiện ra thì trái tim Bùi Giáng còn phải hứng chịu nỗi đau tình khôn tả. Chính vì vậy, ông chọn sự ra đi: “Sẽ đi cùng bước chân mùa/ Bóng vang sầu cũ tháp chùa rộng thênh/ Hào hoa bỏ lại bên mình/ Lá thiên thu đẹp làm thinh bên đường”.

Thế nhưng, ra đi không phải là quên được. Cái vang bóng về cố quận, về hình tượng người vợ cứ còn mãi đó trong lòng ông. Tập Mưa nguồn có thể xem là tập thơ viết về cố quận, viết cho vợ. Tập thơ thể hiện gần như trọn vẹn tài hoa thi ca của Bùi Giáng – lúc này mới ngoài ba mươi tuổi, vẫn còn là anh niên Bùi thi sĩ. Thơ ông thật tuyệt vời; thi ảnh lung linh, thi tứ tràn trề niềm cảm xúc, dịu dàng và lãng mạn bay bổng như khúc Romance trong âm nhạc piano cổ điển: “Em về mấy thế kỷ sau/ Nhìn trăng có nhớ nguyên màu ấy không?/ Ta đi, gởi lại đôi dòng/ Lá rơi có dội vào trong sương mù?”.

Lắm khi ở phương xa, ông nhớ cố quận. Trí tưởng tượng phong phú đưa ông trở về với cố quận, đối thoại với bà về cuộc sống đoàn viên, ước mơ hạnh phúc. Thế nhưng, còn gì nữa đâu giữa nguồn xưa hư vô? Thơ Bùi Giáng đau cái nỗi đau nát ngọc tan vàng: “Anh cứ ngỡ đùa vui trong tí chút/ Đâu có ngờ đùa mãi đến điêu linh”.

Mà đời ông, sau cái chết của bà, trở thành điêu linh thật… Một nửa cuộc đời ông, một nửa trái tim ông giành để nhớ bà. Đáng yêu thay hình tượng người phụ nữ Quảng Nam trong thơ Bùi Giáng: “Bây giờ, đối diện riêng tôi/ Còn hai con mắt, khóc người một con”.

Bùi Giáng thật đa tình nhưng cũng thật chung thủy.

Vũ Đức Sao Biển