Bánh Thuẫn – Món ăn không thể thiếu của người dân xứ Quảng khi xuân về

banh thuan quang nam 3

Bà con, anh em, chòm xóm xa gần đến chúc mừng năm mới, không thể thiếu loại bánh Thuẫn, nhỏ xinh, từa tựa như những bông hoa hồng đang nở chúm chím.

LTS: Bánh Thuẫn không biết từ bao giờ đã trở thành đặc sản – món ăn đặc trưng không thể thiếu của người dân xứ Quảng bởi hương vị bùi, thơm ngon vô cùng hấp dẫn.

Chia sẻ về món ăn vô cùng đặc biệt này vào mỗi dịp Tết đến xuân về, tác giả Đỗ Tấn Ngọc đã gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.

Ngày Tết cổ truyền ở xứ Quảng quê tôi, từ đĩa bánh trái trên bàn thờ cúng gia tiên đến những đĩa bánh kẹo chuẩn bị sẵn để đãi khách, bà con, anh em, chòm xóm xa gần đến chúc mừng năm mới, không thể thiếu loại bánh Thuẫn, nhỏ xinh, từa tựa như những bông hoa hồng đang nở chúm chím.

Nó được những người phụ nữ nơi thôn quê này khéo léo bày biện gọn gàng, đan xen cùng các loại bánh trái thân thuộc khác như bánh nổ, bánh in, bánh mì xốp, trông thật thích thú, ấn tượng.

Ngoài mục đích thờ cúng, tiếp đãi khách khứa trong ba ngày Tết, nhiều gia đình nông thôn ở quê tôi còn làm bánh Thuẫn để sau Tết có cái cho con cháu chút quà đi xa, tặng biếu người thân xứ người hay để có cái ăn xế, nửa buổi trong ngày mùa lao động vất vả, mệt nhọc.

59110bbf97fe7ea027ef
Bánh Thuẫn – món ăn thơm, ngon không thể thiếu trong ngày Tết của người dân xứ Quảng.

Thời trước đây, Tết ở quê tôi thật vui và rộn ràng, nhất là thời gian trước Tết, khoảng 20 tháng chạp trở đi, nhà nhà, người người hớn hở, háo hức, tất bật chuẩn bị những thứ cho Tết.

Những thứ cho Tết đều là các sản vật có sẵn trong nhà, vườn, đều làm bằng thủ công, cách nghĩ, cách cảm của người nhà quê nên nó thú vị, hay hay đến lạ thường.

Trong các loại bánh trái, có lẽ bánh Thuẫn là kỳ công và khó làm nhất. Trách nhiệm chính để làm ra loại bánh này cũng chính là các mẹ, các chị.

Bánh Thuẫn cần nguyên liệu bột mì, đường kính trắng, lòng đỏ trứng gà, theo một tỉ lệ nhất định. Tất cả bỏ vào trộn đều, quết thật nhuyễn, đến khi màu bột mướt rượt, nổi bọt.

Công việc quết bột, các bà, các chị thường giao cho các thanh niên, trai tráng trong nhà, chân tay khỏe mạnh, thay phiên nhau quết, thời gian có khi kéo dài cả buổi mới đạt yêu cầu.

Ngày còn thơ bé, thấy các anh trai mình đánh, quết bột làm bánh Thuẫn tôi thích lắm, muốn giành làm nhưng mẹ không cho.

Mẹ tôi bảo, tay con còn yếu, lại không cẩn thận dễ làm hỏng thau bột của mẹ. Con cứ ngồi đấy nhìn các anh con làm là được rồi.

Khuôn bánh bằng gang bắc lên lửa than. Mẹ dùng một đoạn tàu chuối xoa ít dầu phụng lên từng khuôn bánh, để bánh khỏi bị sít, không bị dính. Đổ bột vào, đậy nắp lại, canh than lửa cháy riu riu vừa đủ.

Khoảng thời gian chờ đợi bánh chín đầy hồi hộp. Vì làm bột chưa đạt, canh lửa không đều rất dễ dẫn đến thất bại, các mẻ bánh đều bị cháy (phần trên không nở xòe ra được).

Mẹ, chị tôi và các nhà hàng xóm, những lần đầu tiên làm bánh thường thất bại nhiều hơn thành công. Những lần sau, nhờ đúc kết được kinh nghiệm từ những người đã từng làm, mẹ, chị tôi bắt đầu thành công, mẻ nào, mẻ đấy bánh đều nở đẹp.

Lấy bánh ra, ngắm nghía mẻ bánh, vẻ mặt mẹ, chị tôi tươi cười, vui sướng, khiến cả nhà tôi cùng vui theo.

Để bánh nguội một chút, đưa chúng sấy trên than lửa. Trở bánh vài lần, bánh cứng chắc, cho vào hộp đậy kĩ, đợi đến ngày Tết.

Thấy tôi thòm thèm, đòi ăn ngay, mẹ và chị tôi thương tình, lựa một cái bánh xấu nhất cho. Tôi mừng hết biết!

Chị tôi nói: “Nhất em rồi đó, còn các bánh đẹp để đến Tết ăn chứ không được đòi hỏi nữa nha”.

Bánh Thuẫn được dọn ra trang trọng giữa những ngày Tết ấm cúng thật ngọt ngào, thơm ngon. Đây là loại bánh mà lũ con trẻ ở quê tôi rất thích ăn. Có khi ăn đến no mới thôi.

Mấy năm nay về quê đến nhà nào cũng vẫn có bánh Thuẫn, cùng nhiều loại bánh thân thuộc khác, nhưng phần nhiều là mua sẵn ở ngoài chợ, các đại lý, cơ sở sản xuất hàng loạt cho tiện lợi, đỡ tốn công sức và thời gian.

Về chất lượng, so với bánh tự tay các chị, các mẹ thôn quê ngày tết trước đây thì hàng bánh Thuẫn sản xuất hàng loạt không thơm ngon bằng, nó xốp xốp, nhàn nhạt, có lẽ đã bị pha chế, lai tạp quá nhiều.

Có lẽ, con trẻ quê hôm nay ít có cơ hội được “sống” trong không khí nhộn nhịp, tấp bật của mọi người để chuẩn bị Tết, chứng kiến, tham gia làm các loại bánh trái cho ngày Tết và thưởng thức hương vị đậm đà sản vật, khả năng tự làm ra của những người lao động, các chị, các mẹ như thuở chúng tôi ngày nào?

Phải chăng, cái yếu tố “công nghiệp” hiện đại đã, đang làm mất dần đi cái chất, cái hồn của làng quê?